Nhà ông Phạm Duy Liêm tọa lạc trên bờ rạch Bà Hợp, thuộc ấp Phú Hòa, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm cách thị trấn huyện Cái Bè 1km đường chim bay về hướng Tây. Do nằm trên bờ rạch là đường giao thông nông thôn mới, nên đường đi đến nhà cổ ông Liêm bằng hai phương tiện ô tô và tàu thủy rất thuận lợi.
Nhà ông Phạm Duy Liêm tọa lạc trên bờ rạch Bà Hợp, thuộc ấp Phú Hòa, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm cách thị trấn huyện Cái Bè 1km đường chim bay về hướng Tây. Do nằm trên bờ rạch là đường giao thông nông thôn mới, nên đường đi đến nhà cổ ông Liêm bằng hai phương tiện ô tô và tàu thủy rất thuận lợi.
Theo hồ sơ di tích lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang: Ngôi nhà do ông Trần Văn Bền cùng vợ là bà Lê Thị Kiều đứng ra xây dựng trong 2 năm (1929-1931) mới hoàn thành (niên đại được ghi ở phần chạm lộng trên mi cửa chính của ngôi nhà). Nhà được xây kiểu kiến trúc Châu Âu.
Năm 1961, ông Trần Văn Bền qua đời, do không có con trai nên nhà được giao lại cho người con gái là bà Trần Thị Kiểu và con rể là Phạm Duy Liêm gồm căn nhà và 6.000m2 đất vườn.
Từ năm 1970- 1975 do sợ bom đạn của địch bắn phá, nên bà Trần Thị Kiểu vợ ông Liêm, đặt trước nhà một tượng phật Quan Âm “Cải gia thành tự” còn gọi là Chùa Bảo Tạng (là nhà tổ họ Trần – Lê). Sau đó ngôi nhà được làm ngôi chùa để nhân dân trong vùng đến chiêm bái.
Trải qua 5 lần trùng tu, đến nay ngôi nhà gồm 5 gian với diện tích 352m2, xây tường gạch thẻ 20cm, nền lót gạch bông; cửa vòm, cánh cửa kiểu lá xách. 3 gian chính với kiến trúc kết hợp giữa vật liệu gạch và gỗ. Bao xung quanh phần nhà là mái tôn. Phần nhà chính 2 gian phía trước là khu tiếp khách sơn màu vàng. 2 gian hai bên được ngăn cách bởi hành lang tay vịn. Bên trong gian giữa trung tâm là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía sau bàn thờ là phòng ngủ được làm bằng gỗ, còn những phần khác được xây dựng bằng gạch. Trần nhà được làm bằng gỗ sơn màu bạc phẳng, đỡ mái là hệ thống cột kèo bằng gỗ được thiết kế hình rẻ quạt chắc chắn.
Các hoa văn họa tiết bên trong ngôi nhà: Tranh phong cảnh châu thổ sông Mekong trên tường ở các gian hai bên. Trên vách tường sảnh tiếp khách từ trong nhà nhìn ra ngoài vẽ hoa lá và 2 phong cảnh sông nước. 2 vách hai bên vẽ 8 bức tranh phong cảnh địa danh nổi tiếng Nam bộ lúc bấy giờ như: Sài Gòn, Tân An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long và Trà Vinh. 8 vách của 2 sảnh hai bên vẽ 48 nhánh hoa hồng. Đây được xem như nguồn tài liệu quý và độc đáo của ngôi nhà.
Gian giữa nhà là 2 cột gỗ căm xe chạm theo kiểu bó đũa, đầu và chân cột được lộng vuông và 2 cột tròn cao từ trần nhà đến mặt nền 420m, chu vi 110cm với tứ trụ đỡ mái nhà rất độc đáo. Trên 2 cột tròn trang trí đôi liễn khảm xà cừ chữ Hán và đề tài trúc điểu, cúc điểu cao 265cm; rộng 26cm. Không gian giữa 2 cột trang trí bộ bao lam. Bên trên thanh xiên là 7 khuôn chạm trổ các đề tài tùng lộc, cúc điểu, mai điểu, hoa lan và con ngựa. Trên đố của bao lam chạm hoa văn chữ vạn và đề tài mai điểu. Cửa võng chạm 18 con chim và cò, trái lựu, hoa cúc và đề tài cúc điểu. Chân bao lam chạm đề tài cá hóa long rất mềm mại, tất cả được sơn son thếp vàng độc đáo.
Bên trong bao lam là bàn thờ Phật được khảm xà cừ rất tinh xảo với đề tài điển tích thập nhị tứ hiếu. Phía sau bàn thờ, trên vách lụa trang trí biển đại tự chữ Hán “Đức Lưu Phương” sơn son thếp vàng. Trên vách lụa chạm lộng con tiện dẹp và 7 khuôn chạm các đề tài dơi cách điệu, các sản phẩm trái cây miệt vườn dừa và hoa lá. Trên 2 cửa buồng hai bên bàn thờ chạm lộng dây lá. 2 gian hai bên từ ngoài cửa nhìn vào, bên trái là bàn thờ các bài vị tổ tiên của chủ nhân ngôi nhà có kích thước (134cm x 150cm x 64cm); bên phải là bàn thờ sư tổ của Phật giáo có kích thước (127cm x 114cm x 60cm). Trên 2 bàn thờ mặt trước chạm các đề tài: 6 khuôn chạm kỳ lân, trái mướp khía và trái khổ qua, trên các cửa chạm dơi cách điệu rất tinh xảo.
Nhìn chung, việc trang trí các bức tranh, các bao lam, biển đại tự, liễn đối trong nhà đều được chạm trổ, khảm xà cừ rất tinh vi, sắc xảo đã làm tăng thêm vẻ trang nghiêm trong việc thờ tổ tiên của gia đình. Các tác phẩm chạm trổ đề tài dân gian, khảm xà cừ các loại sản vật địa phương, cách bày trí bàn thờ bên trong đã tạo vẻ đẹp trang nghiêm của một ngôi nhà cổ.
Do ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á – Âu của vùng đất Cái Bè nói chung và Đông Hòa Hiệp nói riêng nên sau đợt nghiên cứu, khảo sát nhà cổ gỗ ở Tiền Giang của tổ chức JICA Nhật Bản năm 1999, nhà ông Phạm Duy Liêm được gọi là cổ và đến nay được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh (tháng 12/ 2018), góp phần vào quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè) để giới thiệu khách tham quan nghiên cứu và là điểm đến du lịch tại quê hương Tiền Giang.
THS.NGUYỄN MẠNH THẮNG
Giám đốc Bảo Tàng tỉnh Tiền Giang