Nhà ông Đỗ Văn Hiện tọa lạc tại ấp An Bình Đông, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cách quốc lộ 1 khoảng 5 km về hướng Nam, cách trung tâm thị trấn Cái Bè 1 km về hướng Tây Nam. Do di tích nằm gần trung tâm thị trấn trong khu vực dân cư, trên bờ rạch Cây Da thuộc ấp An Bình Đông nên đường đi đến di tích bằng hai phương tiện ô tô và tàu thủy rất thuận lợi.
Nhà ông Đỗ Văn Hiện tọa lạc tại ấp An Bình Đông, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cách quốc lộ 1 khoảng 5 km về hướng Nam, cách trung tâm thị trấn Cái Bè 1 km về hướng Tây Nam. Do di tích nằm gần trung tâm thị trấn trong khu vực dân cư, trên bờ rạch Cây Da thuộc ấp An Bình Đông nên đường đi đến di tích bằng hai phương tiện ô tô và tàu thủy rất thuận lợi.
Theo lời kể của gia đình, vào năm 1960 ông Đỗ Văn Lương (cha của ông Đỗ Văn Hiện) mua lại một căn nhà ở ấp Mỹ Hội, xã Hội Cư, huyện Cái Bè đưa về xây cất. Ban đầu nhà có 3 gian, nền gạch tàu, mái ngói vảy cá, cửa lá sách, vách gỗ bổ kho và hoàn thành vào năm 1961.
Mặc dù, sau 2 lần trùng tu, sửa chữa nhỏ vào năm 1979, 2010, nhưng vẫn giữ được kiểu dáng như ban đầu mới xây dựng, vật liệu chủ yếu vẫn là gạch, ngói, gỗ. Hiện ngôi nhà có diện tích xây dựng 244m2 trên tổng diện tích đất 5071m2. Nhà được xây dựng theo kiểu chữ đinh gồm nhà chính (nhà trên) để thờ phụng và tiếp khách và nhà phụ (nhà dưới) làm nơi sinh hoạt của gia đình.
Khung của nhà chính có 8 cột cái bằng gỗ căm xe (cao 600cm, đường kính 25cm); 8 cột hàng nhì (cao 480cm, vuông 20cm) và 4 cột hàng ba bằng bê tông (cao 290cm, vuông 10cm); 8 thanh kèo không chạm; 4 thanh trính nối các đầu cột cái tiền và cột cái hậu và 4 thanh xiên gồ, 2 thanh xiên ngang và 2 thanh xiên dọc kết thành bộ khung để đỡ mái nhà. Các cột đều được kê trên táng đá xanh; nền lót gạch men, mái lợp ngói vảy cá.
Nhà phụ có quy mô nhỏ hơn gồm 8 cột, 4 thanh trính và 4 thanh xiên, kết cấu mái đầu hồi tam giác; vách lụa không gian thờ và hai bên phòng ngủ được xây bằng vách tường thay thế vách gỗ trước đây; mái lợp tôn fipro xi măng.
Bên trong ngôi nhà các vách đều được sơn màu xanh nhạt; 3 cửa lá sách sơn xanh, có gắn mi cửa bằng gỗ.
Giữa không gian 4 cột hàng nhì và 4 cột hàng nhất là nơi tiếp khách của chủ nhà bố trí bàn nghi bằng gỗ dài khảm ốc xà cừ với đề tài tứ quý (mai, lan, cúc, trúc). Gian trái từ ngoài nhìn vào là bộ ván gỗ có kích thước dài lớn, diềm chạm tứ linh (long, lân, quy, phụng), sóc nho và hoa lá rất tinh xảo.
Trên hai cột cái gian giữa được trang trí đôi liễn khảm ốc xà cừ với đề tài nhất thi nhất họa, bên cạnh có bao lam gỗ khảm ốc xà cừ hoa mai, hoa cúc, chim trĩ, đố bao lam khảm đề tài dơi ngậm giỏ hoa. Bên trên bao lam có 24 khuôn gỗ chạm trổ tinh xảo và khảm ốc xà cừ hoa lan, hoa mai, hoa sen, con bướm, ô hình học vuông, con tiện tròn, chữ song hỷ, song phụng, mai điểu, tùng lộc, con dơi và trái lựu. Bên trong bàn thờ là ghế cơm (bàn thờ cơm) và trang trí bộ tranh kiếng đề chữ “Đức lưu phương”. Hai bên bức tranh kiếng trang trí đôi liễn khảm ốc xà cừ đề tài “nhất thi nhất họa”; bên dưới là tủ thờ khảm ốc xà cừ đề tài tứ quý ( mai, lan, cúc, trúc).Tất cả đều được bố trí cân đối hài hòa tạo vẻ cổ kính cho ngôi nhà.
Với lối kiến trúc hài hòa pha lẫn phong cách giữa cổ kính và hiện đại nhưng mang đậm nét truyền thống văn hóa vùng đất Nam bộ nói chung và châu thổ đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhà ông Đỗ Văn Hiện là một trong những ngôi nhà tạo lên diện mạo chung cho làng cổ Đông Hòa Hiệp, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch cũng như bảo tồn kiến trúc dân gian cho thế hệ hôm nay và mai sau. UBND tỉnh Tiền Giang đã công nhận ngôi nhà ông Đỗ Văn Hiện là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2018.
THS.NGUYỄN MẠNH THẮNG
Giám đốc Bảo Tàng tỉnh Tiền Giang